Dẫn nhập
Chinh phục thiên nhiên và thuần hóa muôn thú là khát vọng đời đời của thế giới loài người nhằm mục đích chứng tỏ sức mạnh của sinh vật bậc cao trong thế giới muôn loài. Ngoài việc dùng làm thực phẩm để duy trì cuộc sống, con người thuần hóa muôn thú để phục vụ như một công cụ lao động. Tình yêu thương vốn là bản tính tự nhiên thiêng liêng luôn tiềm ẩn trong mỗi con người, con người và vật nuôi cộng sinh và dần trở nên thân thiết. Vật nuôi dần trở thành bạn, sinh vật dùng làm cảnh, thú cưng của con người từ khắp mọi nơi trên thế giới. Thú nuôi trở thành sinh vật cảnh.
Thú chơi sinh vật cảnh ngày nay đã đi vào đời sống của nhiều tầng lớp người dân Việt Nam. Phương Nam có sản vật phong phú, tính cách người dân hào sảng, phóng khoáng; thú vui phong lưu cũ mới bồi đắp tinh thần người dân, chắt lọc qua thời gian đã tạo nên nếp sống đẹp, tao nhã. Miệt An Giang thuộc dãy đất Phương Nam trù phú đã mang trong mình một dòng gà cảnh đặc hữu vang danh gắn liền với tên vùng đất gọi là Tân Châu. Gà tre Tân Châu An Giang, cái tên nói lên nguồn gốc.
☆☆☆ Giả thiết về nguồn gốc gà tre Tân Châu An Giang
Có giả thiết cho rằng gà tre Tân Châu là kết quả lai tạo giữa giống gà tre kiểng du nhập từ nước ngoài với một loại gà rừng bản địa. Những nghệ nhân ở vùng đất Tân Châu xưa có thể là người đã lai tạo ra giống gà tre như hiện nay.
Một giả thiết khác cho rằng gà tre Tân Châu có nguồn gốc từ việc lai tạo giữa gà tre Nhật Bản(Japanese Bantam) với gà rừng bản địa tại vùng núi Thất Sơn và phát triển trở thành gà tre Tân Châu.
Tân Châu là địa phương phát triển giống gà này trước tiên, sau đó giới gà cảnh Long Xuyên cùng nuôi dưỡng, lai tạo, phát triển. Với những đặc điểm đặc thù riêng, giới gà cảnh An Giang đã đặt thêm địa danh Tân Châu vào để phân biệt với giống gà tre nhỏ ở vùng khác.
Đặc điểm
Gà tre Tân Châu có vóc dáng nhỏ, thấp, trọng lượng con trống từ 800g đến 900g và 700g đến 800g đối với con mái.
Gà có chân ngắn, lông mượt, màu sắc đẹp, hình dáng oai vệ
Mặt và mào nhỏ, tích (dưới cằm) ngắn
Lông bờm dày và dài
Cánh dài, phủ chấm chân
Đuôi dài và dày
Chân vuông, rãnh
Gà trống
Tính khí: thân thiện với người, không hung hãn nhưng có tính hiếu chiến khi giáp mặt với trống khác
Đầu: nhỏ gọn, mồng dâu hoặc trích được cho là đẹp, mắt sáng lanh lợi, dưới hàm thường có râu, mỏ ngắn, tích nhỏ.
Thân ngắn, ngực rộng, hướng từ ức xuống chân dốc tối đa 45 độ so với phương ngang.
Lông: mịn và bóng che kín toàn thân, lông cổ phủ từ ót đến lưng, lông mã lưng dài gần chạm hoặc chạm tới đất.
Cánh: có khuynh hướng khuỳnh ra, dài không quá thân. Cánh che ít nhất ⅓ cẳng chân tính từ trên xuống (ở trạng thái bình thường đối với gà trưởng thành)
Đuôi: lông đuôi nhiều, phân bố thành nhiều lớp (tối thiểu 3 lớp).
Chân: cẳng chân vuông, vảy đều, độ cao cân đối với thân hình tạo dáng đứng vững chắc. Chân có 4 ngón. Màu chân không quan trọng, nhưng thông thường người chơi hay chọn màu vàng cam.
Gà mái
Gà mái Tân Châu mang đầy đủ những đặc tính cơ bản của giống gà mái nói chung với những điểm đặc thù như sau:
Mồng và tích gà ít phát triển (nhỏ hơn rất nhiều so với gà trống, gần như sát da).
Lông: mềm mại, lông mã không phát triển, màu lông đơn giản chứ không sặc sỡ như gà trống (trong cùng 1 kiểu phối màu).
Thân tròn, hướng từ ức đến chân lệch không quá 20 độ so với phương ngang.
Cánh ôm gọn sát vào thân, không chạm đất.
Đuôi: hơi chếch thẳng 1 góc từ 20 độ đến 30 độ sao với phương ngang. Đuôi có ít lớp lông (thường là 2 lớp) và ngắn hơn gà trống
III. Chọn giống gà tre Tân Châu
Gà được chọn làm cảnh là một con gà đẹp. Mặt và mào nhỏ gọn, tích (phần dưới cằm) ngắn, lông bờm dày, cánh phủ chấm chân, đuôi dài và dày. Với vẻ đẹp và hình dáng oai vệ thì gà trống thường được chọn làm gà cảnh. Con gà Tân Châu trống đẹp phải có càng nhiều yếu tố sau đây càng tốt:
Đầu: nhỏ gọn, mồng dâu hoặc mồng trích, mắt sáng lanh lợi, mỏ ngắn, tích nhỏ gọn không quá 1,5cm
Thân: thân ngắn, ngực rộng, hướng từ ức xuống chân chếch 45 độ.
Cánh: cánh khuỳnh ra, dài không quá thân, rủ xuống che hơn nửa cẳng chân (tính từ trên xuống).
Lông: bóng mượt phủ kín toàn thân được chia làm 3 phần: lông thân mịn và dày, ôm sát thân; lông cổ dày, mềm, mịn phủ kín từ tai đến lưng; lông mã lưng mềm, mịn dài từ gần chạm đến chạm dư xuống đất.
Đuôi: lông đuôi phải nhiều, phân bố ít nhất 3 lớp, đuôi dài, bản đuôi rộng, cong hướng xuống mặt đất, lông đuôi không được cao vượt qua đầu.
Chân: vuông và có vảy đều. Chiều dài cẳng chân ngắn hơn chiều dài xương đùi. Bàn chân có 4 ngón vững chắc (3 ngón trước và 1 ngón sau).
IV. Chăm sóc gà tre Tân Châu
Giai đoạn từ 1 đến 30 ngày tuổi
Không nên cho gà xuống ổ trước 24 giờ sau khi nở.
Khi xuống ổ, cho gà uống nước sạch (có thể pha thuốc úm gà con), sau đó cho ăn. Không nên cho ăn nhiều nhằm phòng tránh trường hợp gà chưa hấp thụ hết chất dinh dưỡng của phôi đồng thời nạp thêm năng lượng qua đường tiêu hóa, từ đó dễ gây tiêu chảy.
Chú ý đảm bảo nhiệt độ, ẩm độ ổn định khu vực nuôi gà con.
Tránh mưa tạt, gió lùa để gà không bị tiêu chảy, viêm phổi.
Đây là giai đoạn gà sẽ mọc lông phủ ấm cơ thể. Chăm sóc tốt cùng với môi trường thuận lợi thì gà con sẽ nở mình, bung lông rất nhanh.
Cần bổ sung các chất xơ, vitamin, khoáng….để gà phát triển toàn diện.
Thực hiện nghiêm vấn đề phòng bệnh ngay từ đầu thông qua hồ sơ theo dõi vắc-xin định kỳ.
Giai đoạn từ 2 đến 5 tháng tuổi
Đây là giai đoạn trút bỏ lông gà con để trở thành gà tơ.
Gà sẽ trổ mã, phát triển khung xương, tập gáy.
Lông hình phát triển mạnh, lúc này ta có thể phân biệt rõ giới tính.
Cơ thể phát triển nhanh chóng đến hoàn thiện cơ bản.
Giai đoạn này gà cần một chế độ dinh dưỡng cân đối, đầy đủ để có thể phát triển tốt nhất về mọi mặt.
Đây là giai đoạn tốt để ta chọn ra một số lượng cá thể ưu tú vì mục đích duy trì nòi giống về sau.
Ở giai đoạn này chúng ta có thể nhắm được nhưng con gà đẹp để định hướng chọn đi thi.
Giai đoạn này nếu để gà bị suy thì xem như ta mất đi khả năng có một con gà đẹp.
Phải cho gà ăn đầy đủ như nhau và tập dần cho gà thân thiện với người.
Giai đoạn từ 6 tháng tuổi trở lên
Người nuôi cần tách nuôi riêng từng con trống để gà được nở mình, ra lông hoàn chỉnh.
Giai đoạn này người nuôi chú ý không cho trống theo mái sớm nhằm tránh trường hợp gà bị đứng hình - không phát triển được tối đa.
Riêng với gà mái thì đây là giai đoạn phát triển mạnh nhất. Để chăm tốt cần tham khảo thêm tài liệu về cách nuôi gà mái đẻ trứng.
Khi gà mái căng mình kêu ổ, đẻ trứng thì người nuôi cần tăng cường thức ăn để gà đẻ tốt. Lứa so thường nở gà nhỏ và khó nuôi, nhưng nếu chăm tốt thì từ tuần thứ 2 gà con sẽ phát triển nhanh. Giai đoạn này cần bổ sung canxi và mồi tươi vào khẩu phần của gà mái để gà con sau này ra được khoẻ mạnh và gà mái không bị suy.
Khi gà mái ấp, chúng ta chú ý cho gà ăn đủ chất (đạm, rau, vitamin, khoáng)
Từ tháng thứ 8 đến 1 năm, gà đã định hình và trưởng thành. Gà rất sung, căng mình, bắt đầu thay lông chuyền, đâm thêm lông bờm và mã, nở khung hình và định hình để chuẩn bị bước sang giai đoạn gà mùa.
Gà trống lúc thay lông thì chúng ta nên bổ sung thêm mồi tươi như: sâu, trùn, dế, thịt……. Với liều lượng vừa đủ vì cho ăn nhiều quá sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa.
V. Thú chơi gà cảnh
Giới đam mê gà cảnh chọn nuôi gà tre Tân Châu vì đây là giống gà thuần chủng Việt Nam , có hình dáng nhỏ nhắn, dễ nuôi, ít bệnh, màu sắc phong phú và đa dạng. Mỗi con gà tre Tân Châu đẹp là thành quả của một quá trình lai tạo và chọn lọc từ nhiều thế hệ mới có được con gà như ý. Một con gà trống đẹp phải hội tụ được nhiều đặc điểm như: đầu nhỏ gọn, 2 mặt nhỏ và lanh, thân thẳng, lông cổ phủ lưng, phao câu lớn và liền vào thân, cánh xệ chấn chân. Các tiêu chuẩn khác như: gà lùn, chân vuông, đuôi cong xòe đều mọc chếch khoảng 45 độ so với phương ngang, trọng lượng ( 600g-800g đối với con trống, 500g-700g đối với con mái)…...chỉ dành cho dòng cổ điển.
Nhận xét
Đăng nhận xét